Đồ ăn vặt - Thị trường nhiều tiềm năng


 Theo báo cáo của Nielsen, 13.000 tỷ đồng chi cho ăn vặt mỗi tháng của giới trẻ Việt Nam là con số thống kê khiến tất cả các doanh nghiệp phải thực sự quan tâm tới. Đồ ăn vặt được đánh giá một thị trường đầy tiềm năng để các doanh nghiệp kinh doanh khai thác tại Việt Nam .

Các món ăn vặt Việt phong phú, đa dạng, hương vị hấp dẫn và giá thành tương đối rẻ thu hút nhiều đối tượng đặc biệt là giới trẻ. Những món ăn như cánh gà, khoai tây chiên, chè, hoa quả dầm,... được bán khá chạy.

Chị Nguyễn Thị Ninh- Hải Dương: “Tôi thường ăn đồ vặt những cái xiên hay bán ở rìa đường. Mỗi tối đi ăn vặt thì tôi chi khoảng 100, 200 gì đấy.”

Tuy nhiên bên cạnh các đồ ăn vặt thuần Việt, phân khúc đồ ăn vặt cao cấp có xuất xứ nước ngoài với giá bán cao hơn nhiều cũng được giới trẻ ưa chuộng. Các cửa hàng bán trà sữa đồ ăn Nhật, Hàn Quốc, … mọc lên ngày một nhiều với lượng khách đông đảo.

Chị Nguyễn Thị Ngân- Hà Nội: “Tôi thích các đồ ăn Hàn như là kimbap, tobokki, tôi thấy rất ngon, giá hợp với sinh viên, món ăn hấp dẫn.”

Chị Ninh Thị Vượng- Chủ cửa hàng đồ ăn vặt: “Đồ ăn của Việt Nam thì rất là ngon rồi nhưng mà giới trẻ nhiều khi cũng thích chạy theo cái mới, những cái trào lưu, các bạn í cũng thích các cái đồ ăn Hàn Quốc.”

  Nhanh chóng, tiện lợi, không gian trẻ trung, hiện đại, mở ra những trải nghiệm mới mẻ cho giới trẻ... các hàng quán bán đồ ăn vặt nước ngoài ngày càng chiếm lĩnh thị trường Việt. Vì vậy các doanh nghiệp trong nước thay vì trực tiếp cạnh tranh vào các dòng sản phẩm mà các đối tác ngoại đang "làm mưa làm gió" thì sẽ cần phải phát huy ưu thế bản địa của mình; Thậm chí phải tạo ra các chuỗi cung ứng để phân phối và tiếp cận nhóm đối tượng trẻ một cách tốt hơn.

Ông Vũ Vinh PhúChuyên gia bán lẻ: “Cái kết hợp khéo léo, đa dạng, nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của thanh niên, họ thích túm 5 tụm 3 ở trong những cửa hàng sang trọng, cửa hàng màu mè rất đẹp chứ không phải góc chợ. Thế nên chúng ta phải nghiên cứu cách phát triển của bạn, học tập những cái tốt để phát triển dịch vụ của chúng ta.”

 Nền ẩm thực phong phú về món ăn, đa dạng về cách chế biến là những lợi thế lớn. Tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước vẫn bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp trong hệ thống vận hành, nhân sự, chuỗi cung ứng, tài chính.

  Vì vậy, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn, giảm dần các điểm kinh doanh tự phát và truyền thống của người dân, tăng dần hoạt động của các chuỗi và thương hiệu chuyên nghiệp, và quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo về chất lượng thực phẩm là lời khuyên mà các chuyên gia gửi đến các doanh nghiệp Việt./.

Theo vnews.gov.vn